Skip to main content

Khởi nghiệp thì phải tinh gọn. Ai tham gia startup cũng đều có ý thức đó. Nhưng có nên gọn đến mức bỏ qua việc xây dựng thương hiệu?
Với bài viết như thế này, bạn đã biết chắc câu trả lời nhưng gượm một chút để có thêm các thông tin trước khi hành động.

Phần lớn startup Việt chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng thương hiệu nên hình ảnh, ấn tượng dễ bị nhạt nhòa trong lòng khách hàng. Đồng ý bạn có một ý tưởng kinh doanh hay nhưng để nó trở nên quen thuộc và ghi dấu, không phải là một hành trình đơn giản. Rất nhiều startup tôi biết bắt đầu bằng một logo – màu sắc thương hiệu được thiết kế vội vàng, với ngân sách thấp nhất có thể. Chuyện này không có gì sai, vì nguồn lực eo hẹp của bạn phải dồn cho tỉ thứ khác. Tuy vậy, một tư duy đúng về xây dựng thương hiệu thực chất sẽ giúp bạn tối ưu hóa ngân sách của mình không chỉ trong ngắn hạn.

TƯ DUY XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DÀNH CHO STARTUP

Xây dựng thương hiệu giúp tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp khi so sánh với đối thủ. Đồng thời nó cũng tạo ra mối liên kết giữa sản phẩm hoặc thương hiệu với một tập hợp nhu cầu, giá trị hay cảm xúc nhất định. Startup thường tập trung vào phát triển sản phẩm/ dịch vụ, nhưng cũng đừng quên làm rõ sự khác biệt của mình thông qua việc làm thương hiệu.

CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU

Là startup cũng dễ hiểu nếu bạn chưa chắc chắn với “Tầm nhìn” của mình. Nhưng ít nhất phải xác định được “Sứ mệnh” con đường mà doanh nghiệp theo đuổi. Bởi vì khi bạn thay đổi giá trị dịch vụ/ sản phẩm của mình, thay đổi “what” và “how” thì chiến lược thương hiệu cũng hoàn toàn thay đổi.
Chiến lược thương hiệu là việc tạo nên vị thế vững chắc và có cảm xúc trong tâm trí khách hàng. Nó không dừng lại ở logo, bộ nhận diện hay các chương trình truyền thông. Đây là điều mà rất nhiều startup nhầm lẫn.
“Công ty sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?”, “Danh tiếng của thương hiệu sẽ cụ thể như thế nào?” và “Làm sao duy trì được qua thời gian?” là các câu hỏi mà founder nên hình dung ra. Một startup có chiến lược thương hiệu mạnh sẽ tạo được ấn tượng tốt với cả các nhà đầu tư.

 

XÁC ĐỊNH KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU

Đây là bài tập mà chắc chắn nếu bạn tham gia bất cứ chương trình Incubation ươm tạo nào cũng sẽ gặp. Xác định thị trường – đối thủ – tệp khách hàng mục tiêu không chỉ giúp bạn xây dựng được sản phẩm phù hợp, mà còn định hình nên kết cấu nền móng của “ngôi nhà” thương hiệu. Khi đã rõ được ai là đối tượng mà mình sẽ phục vụ/ giải quyết vấn đề, các founder sẽ đánh giá được hình ảnh và thông điệp nào là phù hợp bằng cách đặt mình vào vai khách hàng.

“Nếu tôi là …, tôi sẽ cảm thấy thế nào”… là những câu hỏi bạn nên không ngừng đặt ra và tìm câu trả lời.
Không có sản phẩm nào có thể phục vụ được nhu cầu của tất cả mọi người. Hãy đào sâu phân tích để tìm ra những điểm chạm tạo ra mối liên kết, đánh thẳng vào các pain-points của khách hàng.

XÂY DỰNG BẢN SẮC THƯƠNG HIỆU 

Hình ảnh thương hiệu sẽ được ghi nhớ nếu nó gắn liền với một cá tính rõ rệt. Cũng như con người, nhạt nhẽo hay sống động sẽ mang lại ấn tượng nhất định.

Rất phổ biến và cũng có khả năng sai lầm khi các founder đưa cảm tính cá nhân vào quy trình thiết kế thương hiệu khi làm việc với các công ty thiết kế hay freelancer. Mà quên mất điều quan trọng là khách hàng cuối – end-user và cách phản chiếu tính cách của họ.

 

LÀM RÕ THÔNG ĐIỆP 

Thông điệp không chỉ là lời nói, tagline, nó còn bao gồm mọi visual, tông giọng của bạn trên truyền thông.
Ý tưởng hay của startup sẽ không được đánh giá cao nếu nó không được giải thích – truyền đạt rõ ràng. Rất thường thấy, các founder quá chú tâm vào việc phát triển sản phẩm, đội ngũ mà quên “bước ra khỏi chiếc hộp” của mình để quan sát. Việc đảm bảo công chúng mục tiêu hiểu được bạn làm gì, mang lại lợi ích nào, giải quyết vấn đề ra sao là việc quan trọng. Với góc nhìn của nhà khởi nghiệp, rất dễ sa vào việc mặc định người khác sẽ hiểu mình nhưng thực tế ngược lại, đặc biệt khi bạn phục vụ cho nhiều tệp khách hàng khác nhau hoặc có một sản phẩm quá mới lạ so với thị trường.

Đơn giản và đồng nhất chính là từ khóa cần ghi nhớ. Ngồi xuống với team của mình, hãy xác định ra một vài gạch đầu dòng cốt lõi, sau đó, lặp đi lặp lại chúng trên các kênh truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Lưu ý, thông điệp này phải được hoạch định và lựa chọn cẩn trọng, có cơ sở, không ngẫu hứng, dẫn đến phản tác dụng.

 

KÊNH TRUYỀN THÔNG 

Truyền thông với startup không nhất thiết phải loa thật to, mà chỉ cần cho khách hàng mục tiêu nhìn thấy thông điệp, bằng cách này hay cách khác (trên website, tại sự kiện, trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội…).
Ai cũng biết tầm quan trọng của website, fanpage và cả tiktok clip ở thời đại này. Việc đầu tư ngân sách xứng đáng cho chúng theo một lộ trình phù hợp với kế hoạch phát triển của startup sẽ là một việc làm hợp lý. Khởi đầu có thể bạn không cần dồn hết budget cho một website hoành tráng nhưng hãy đảm bảo website của mình đầy đủ thông tin – rõ ràng và thể hiện được nhận diện thương hiệu của bạn. Fanpage có thể thoải mái hơn với các câu chuyện cụ thể, người thật – việc thật và các giá trị mang lại cho khách hàng. Câu chuyện có tính “viral” lan tỏa là vũ khí hạng nặng nếu được khéo léo sử dụng.
Theo thời gian từng mục tiêu cụ thể phải được đặt ra cho việc truyền thông để mang lại hiệu quả đo lường được.

 

Với góc nhìn của người làm thương hiệu, trên đây là những vấn đề thường gặp mà startup hay bỏ qua. Khởi nghiệp không đơn giản mà xây dựng thương hiệu trong lòng khách hàng còn khó hơn. Nó phải bắt đầu từ một cảm nhận đúng. Trong dài hạn, thương hiệu chính là tài sản mà startup gây dựng được để đảm bảo sự thành công vững chắc.

M.T